Nhiều mẫu xe ô tô khan hàng đồng loạt tăng giá bán tại đại lý

Từ đầu 2022, hàng loạt nhà sản xuất, phân phối ô tô đưa ra thông báo tăng giá bán xe nhập khẩu cũng như lắp ráp trong nước từ vài chục đến cả trăm triệu đồng với lý do được đại lý đưa ra là khan hàng do nguồn cung gặp nhiều khó khăn trên quy mô toàn cầu.

Năm nay, từ sau Tết Nguyên đán, nhiều mẫu ô tô nhập khẩu có nguồn cung không ổn định, trong khi nhu cầu tăng cao đã dẫn đến tình trạng khan hàng và tăng giá bán tại đại lý, một số mẫu còn đội giá cao ngất ngưởng. Thậm chí, bước sang tháng 4, nhiều hãng còn thông báo kế hoạch tăng giá bán, gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Toyota Việt Nam cho biết sẽ tăng giá niêm yết nhiều dòng xe từ tháng 5/2022 với mức tăng tùy thuộc vào từng mẫu xe. Bao gồm 2 dòng xe lắp ráp trong nước là Vios và Innova, cùng 7 mẫu xe nhập khẩu khác. Trong đó, mức tăng của Vios và Innova là thấp nhất, khoảng 5-6 triệu, trong khi các mẫu xe nhập khẩu có mức tăng 17-40 triệu đồng.

Những mẫu ôtô bị bán 'bia kèm lạc' dịp cận Tết - VnExpress

Bên cạnh Toyota, Suzuki cũng đã điều chỉnh, tăng giá bán ba mẫu xe của Suzuki từ tháng 4. Cụ thể, mức tăng của mẫu sedan cỡ B, Ciaz là 6 triệu, lên mức 535 triệu đồng. Swift giá mới 560 triệu, tăng 10 triệu đồng so với trước.
Dòng MPV cỡ nhỏ, Suzuki Ertiga nhập khẩu Indonesia cũng tăng giá. Tuy nhiên, chỉ có bản số tự động AT tăng, ở mức 9 triệu, lên 569 triệu đồng. Bản số sàn MT của Ertiga vẫn giá cũ 500 triệu đồng. Suzuki XL7, mẫu xe bán chạy nhất của hãng Nhật tăng 10 triệu, lên mức 600 triệu đồng.

XL7 2022 tại một đại lý Suzuki ở TP HCM. Ảnh: Đông Trường

Về việc điều chỉnh tăng giá bán niêm yết các dòng ô tô tại Việt Nam, hầu hết các nhà sản xuất, phân phối đều đưa ra lý do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Trong khi đó, với Suzuki, việc các mẫu xe của thương hiệu này được nâng cấp động cơ để đạt tiêu chuẩn khí thải mới tại Việt Nam cũng là lý do khiến giá xe gia tăng.

Tuy nhiên, không chỉ nhà sản xuất, phân phối điều chỉnh giá niêm yết. Thực tế tại các đại lý giá bán nhiều dòng ô tô cũng đang tăng phi mã. Đơn cử như Hyundai, dù nhà sản xuất, phân phối không điều chỉnh giá niêm yết nhưng tại các đại lý, giá bán Hyundai Santa Fe đội lên gần 100 triệu đồng, Hyundai Tucson bản cao cấp nhất cũng đang bán cao hơn giá niêm yết gần 80 triệu đồng. Thậm chí, mẫu Hyundai Creta vừa gia nhập thị trường Việt Nam cũng tăng giá bán khoảng 30 triệu đồng.

Một số dòng xe mới của Toyota như Veloz Cross cũng bị đẩy giá bán tại các đại lý cao hơn khoảng 50 triệu đồng so với giá niêm yết. Mức chênh lệch này thường được các đại lý gợi ý cho khách hàng mua thêm gói phụ kiện để hợp thức hoá.

Lý do được các đại lý đưa ra là do thiếu nguồn cung, một số mẫu mã, phiên bản đang trong tình trạng khan hàng. Thực tế này cũng đang diễn ra tại nhiều thị trường ô tô trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia khu vực châu Âu do tác động từ nhiều yếu tố.

Trong đó, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn đang kéo dài cuộc khủng hoảng thiếu chip điện tử, linh kiện sản xuất ô tô. Bên cạnh đó, chiến sự diễn ra giữa Nga và Ukraine cùng với việc Trung Quốc đang áp dụng lệnh phong tỏa tại một số thành phố lớn như Thâm Quyến, Thượng Hải… khiến chuỗi cung ứng linh kiện ô tô bị đứt gãy, nhiều nhà máy phải cắt giảm sản lượng và thậm chí dừng sản xuất.